Qua Lâu
Cây qua lâu còn có tên khác là dưa trời, dưa núi, hoa bát, vương qua, dây bạc bát, người Tày gọi là thau ca. Qua lâu thuộc loại dây leo, có rễ củ thuôn dài như củ sắn. Lá giống lá gấc. Hoa đơn tính màu trắng. Quả hình cầu, màu lục có sọc trắng, khi chín có màu đỏ.
Tên thuốc: Fructus Trichosanthes
Tên khoa học: Trichosanthes sp
Họ Bí (Cucurbitaceae)
Bộ phận dùng: hột, khô, mẩy, chắc, có vỏ cứng dày, nhân trắng không lép, có nhiều dầu, nguyên hạt, không vụn nát, không ẩm mốc đen là tốt.
Tính vị: vị ngọt, đắng, tính hàn.
Quy kinh: Vào kinh Phế, vị và Đại trường.
Tác dụng: tả hoả, nhuận Phế, hạ khí, hạ đờm, nhuận táo.
Chủ trị: trị táo bón, trị ho đờm, vú bị ung nhọt, ngực tê tức.
-Ho do đờm nhiệt biểu hiện ho khạc đờm vàng đặc, cảm giác tức nặng ở ngực và táo bón: Qua lâu với Ðởm nam tinh và Hoàng cầm trong bài Thanh Khí Hóa Đờm Hoàn.
-Ðờm, thấp và huyết ứ trệ trong ngực biểu hiện cảm giác khó thở và đau ngực, đau ngực xuyên ra sau lưng: Qua lâu với Thông bạch và Bán hạ trong bài Qua Lâu Thông Bạch Bán Hạ Thang.
-Ðờm và nhiệt tích tụ trong ngực và vùng thượng vị biểu hiện cảm giác đầy chướng ngực và thượng v: Qua lâu với Hoàng liên và Bán hạ trong bài Tiểu Hãm Hung Thang.
-Táo bón: Qua lâu với Hoả ma nhân, Úc lý nhân và Chỉ thực.
-Vú sưng và đau: Qua lâu với Bồ công anh, Nhũ hương và Một dược.
Liều dùng: Ngày dùng 12 - 16g.
Cách Bào chế:
Theo Trung Y: Dùng vỏ quả. Qua lâu thì nhân, hột và rễ đều dùng làm thuốc nhưng tác dụng khác nhau. Dùng hột thì bẻ vỏ cứng và màng mỏng ép bỏ dầu mà dùng (Lôi Công Bào Chích Luận).
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
+ Đập nhẹ cho vỏ tách đôi, bỏ vỏ lấy nhân, giã nát (dùng sống) để trừ nhiệt.
+ Có thể tẩm mật ong sao qua (bổ Phế ) để khỏi rát cổ (dùng chín).
+ Muốn làm nhanh thì lấy hột sao qua, chà hoặc giã cho nát vỏ lấy nhân rồi làm như trên.
Bảo quản: để nơi khô ráo, mát, tránh nóng nhân sẽ bị đen.
Kiêng ky: Tỳ Vị hư hàn không nên dùng. Dùng nhiều sinh ra tiêu lỏng.