RẮN
Rắn làm thuốc gồm nhiều loại, thường là những loài rắn độc, người ta hay dùng 3 loài rắn độc mang tên rắn hổ mang, rắn cạp nong, rắn cạp nia, nhưng những tên đó nhiều khi lại được dùng để chỉ nhiều loài rắn khác nhau, cần chú ý phân biệt.
Rắn cung cấp cho ta nhiều bộ phận làm thuốc như: Thịt rắn, xác lột (xà thoái) và nọc độc.
Mô tả: Những con rắn hay dùng ở Việt Nam
1. Rắn hổ mang: tên hổ mang còn gọi là hổ lửa, hổ phì, con phì, hổ đất, rắn mang kính. Có hai chi rắn khác nhau ở nước ta mang tên hổ mang có tên là chi Naji và chi Agkistrodon.
2. Rắn cạp nong: còn có tên là rắn mai gầm, có nơi gọi là rắn mai gầm vàng, rắn đen vàng, rắn vòng vàng. Rắn cạp nong thường sống ở cả đồng bằng và miền núi, con rắn này rất đặc biệt ở chỗ thân nó hơi hình ba cạnh, gồm những khoanh đen và vàng vòng quanh cả bụng.
3. Rắn cạp nia: Hay rắn mai gầm bạc, còn gọi là rắn đen trắng, rắn hổ khoang, rắn vòng bạc. Loài rắn này thường ngắn hơn loài cạp nong. Màu rắn đen xanh hay nâu sẫm có những khoanh màu trắng hay trắng vàng, khoanh màu trắng hẹp hơn khoanh màu đen,.
Phân bố: những con rắn dùng làm thuốc được phân bổ rộng rãi ở miền Bắc và miền Nam, đồng bằng hay rừng núi đều có.
Công dụng:
Thịt rắn được đông y coi là một vị thuốc bổ có công dụng chữa những bệnh thần kinh đau nhức,tê liệt, bán thân bất toại, các cơn co giật, chữa nhọt độc, bị cảm trợn mắt miệng méo.
Ngày uống 4-12g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay thuôc rượu
Tính chất thịt rắn trong sách cổ đông y là vị ngọt, mặn, tính ôn, có độc vào kinh can. Có tác dụng khử phong thấp, định kinh giảm, những người huyết hư sinh phong thì không dùng được.
Mật rắn thường dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác để chữa ho, đau lưng, Nhức đầu khó chữa. Có khi ngâm với rượu mà uống. Trong sách cổ ghi mật rắn có độc, dùng với liều thấp.
Xác rắn (xà thoái) là xác con rắn bỏ lạo khi nó lột. Trong sách cổ ghi xác rắn tính bình, vị ngọt, mặn, không độc vào can kinh. Có tác dụng khứ phong, sát trùng, tan mộng, dùng chữa những chứng kinh nguy hiểm của trẻ em, sát trùng, trị đau cổ họng, lở ghẻ. Ngày dùng từ 6-12g dưới hình thức thuốc sắc hay đốt cháy mà dùng.
Nọc rắn độc: Ở nước ta hầu như chưa khai thác nọc rắn độc làm thuốc. Nọc rắn có tác dụng ức chế sự phát triển của một số loại tế bào ung thư, hạ huyết áp trong bệnh cao huyết áp, nhưng phổ biến nhất có loại thuốc xoa dùng chữa Thấp khớp, viêm cơ.