MÂM XÔI
Mâm xôi, Ðùm đùm - Rubus alceaefolius Poir. (R.moluccanus L) thuộc họ Hoa hồng - Rosaceae.
Mô tả: Cây nhỡ mọc trườn, thân, cành, cuống lá, cuống hoa đều có gai nhỏ. Lá đơn có cuống dài, mọc so le, phiến lá chia 5 thuỳ không đều, gân chân vịt, mép có răng không đều nhau, mặt trên phủ nhiều lông lởm chởm, mặt dưới có lông mềm màu xám. Cụm hoa thành đầu hay chùm ở nách lá, màu hồng. Quả hình cầu, gồm nhiều quả hạch tụ họp lại như dáng mâm xôi, khi chín màu đỏ tươi.
Hoa tháng 2-3, quả tháng 5-7.
Bộ phận dùng: Quả, cành lá - Fructus, Ramulus Rubi Alceaefolii.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở vùng đồi núi, ven đường đi, trong rừng thưa khắp nước ta. Quả hái lúc chín, cành lá thu hái quanh năm, thái ngắn, phơi khô.
Thành phần hoá học: Quả chứa các acid hữu cơ, chủ yếu là acid citric, malic, salycilic. Lá chứa tanin.
Tính vị, tác dụng: Quả có vị ngọt nhạt, tính bình, có tác dụng bổ can thận, giữ tinh khí, làm cường dương mạnh sức. Lá có vị se, có tác dụng hoạt huyết, thanh nhiệt, tán ứ tiêu viêm.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả thường được dùng ăn. Cành lá già phơi khô, nấu nước uống thay chè làm dễ tiêu hoá. Quả chữa đau thận hư, tinh ứ, liệt dương, đái són, vãi đái, hoạt tinh, Di tinh. Liều dùng: 20-30g sắc uống hoặc phối hợp với các vị Ba kích, Kim anh, mỗi vị 10-15g. Cành lá (và rễ) dùng chữa viêm gan cấp và mạn, viêm tuyến vú, viêm loét miệng, dùng cho phụ nữ sinh đẻ uống làm thông máu, tiêu cơm. Cây dùng làm trà uống mát, lợi tiểu tiện. Liều dùng 10-15g hãm hoặc sắc uống.
Ở Ấn Ðộ người ta dùng quả làm thuốc chữa bệnh đái dầm của trẻ em. Lá được dùng làm thuốc điều kinh, gây sẩy thai.
Ðơn thuốc: Chữa viêm gan mạn tính, sưng gan, viêm tuyến vú, dùng 30-40g cành lá cây mâm xôi, với cây Ô rô, Mộc thông, mỗi vị 15-20g, sắc uống.