LÔI HOÀN
Lôi hoàn là một loại nấm sống gửi ở dưới gốc tre, lâu ngày hoá thành cục (cọ thử vào ngón tay cái hoặc ngón chân cái), vỏ ngoài sắc đen hoặc hơi đen nâu
Xuất xứ: Bản Kinh.
Tên khác: Lôi thỉ (Phạm Tử Kế nhiên), Lôi đầu (Phổ Tế Bản Thảo), Lôi thực (Ngô Phổ Bản Thảo), Bạch lôi hoàn (Y Học Tâm Ngộ), Trúc linh chi (Trung Dược Chí), Mộc liên tử (Quảng Tây Trung Dược Chí), Trúc thỉ, Lôi công hoàn (Tân Hoa Bản Thảo Cương Yếu).
Tên khoa học: Omphalia tapidescens Schroeters.
Họ khoa học: Họ Nấm Lỗ (Polyporaceae).
Mô tả: Lôi hoàn là một loại nấm sống gửi ở dưới gốc tre, lâu ngày hoá thành cục (cọ thử vào ngón tay cái hoặc ngón chân cái), vỏ ngoài sắc đen hoặc hơi đen nâu, ở trong sắc trắng, thịt cứng là thứ tốt, cắn vào răng thấy hơi có nước dính, ngậm lâu tan hết, có loại ở trong sắc tím đen, độc không dùng được.
Địa lý: Mọc hoang, chủ yếu sản xuất ở Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây. Việt Nam còn phải nhập vào.
Bộ phận dùng: Toàn cục.
Mô tả dược liệu: Lôi hoàn hình cầu hoặc dạng khối tròn không nhất định, đường kính khoảng 1,3-5,3cm. Mặt ngoài mầu nâu đen hoặc mầu nâu tro, có những vân nhăn nhỏ hơi nổi lên. Chất cứng và nặng, khó đập vỡ, mặt đập vụn mầu trắng hoặc mầu tro nhạt, không bằng phẳng, ở dạng chất bột hoặc hạt. không mùi, vị nhạt. nhai có cảm giác như có hạt, hơi có tính chất nhầy dính, nhai lâu sẽ tan mà không có cặn.Thứ hạt to, mập, chất chắc, mặt cắt ngang mầu trắmg là tốt.
Thu hoạch: Quanh năm nhưng mùa Thu nhiều hơn. chọn những cây Trúc có bệnh, cành lá khô vàng, đào lấy nấm ở vùng rễ, đem về, rửa sạch, phơi khô.
Cách bào chế:
. Theo Trung Y: Lôi hoàn nấu với Cam thảo 1 đêm, lấy dao đồng cạo bỏ vỏ đen, chẻ ra làm 4 đến 5 miếng, lại tẩm nước cam thảo một đêm nữa, mang ra đồ 2 giờ rồi đem phơi khô. Sau đó tẩm rượu rồi đem phơi khô dùng (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
. Ngâm nước cho mềm đều rồi thái phiến, phơi khô dùng hoặc tán thành bột dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
. Theo kinh nghiệm Việt Nam: Chà rửa cho sạch đất cát, ủ mềm cho đến khi thái được, thái mỏng phơi khô dùng hoặc tán bột dùng.
Bảo quản: Để chỗ khô ráo.
Thành phần hoá học:
. Chứa một chất mang tên S - 4001. Hàm chứa thuỷ phân 6,5%, tro 4% (Trung Dược Học).
. Thành phần chủ yếu là một loại men Albumin, gọi là Lôi hoàn tố, có hàm lượng khoảng 3% là thành phần diệt sán. Loại men này ở trong môi trường Ph8 thì tác dụng rất mạnh, không có tác dụng trong môi trường acid (Trung Hoa Bản Thảo).
Tác dụng dược lý:
. Tác dụng diệt sán: Đem đốt sán bị bài tiết ra một cách tự nhiên, lúc chưa dùng thuốc, đặt trong ducng dịch chiết Lôi hoàn 5-30%, ở nhiệt độ 37oC. Các đốt sán đều chết, nhanh thì sau 2g40 phút, chậm thì sau 9 giờ. Tuy nhiên nếu đặt trong nước muối sinh lý thì có thể sống kéo dài 40-62 giờ. Để trong nước cất cũng có thể sống 24-30 giờ. Lôi hoàn có tác dụng đối với sán móc, sán không móc, sán chó. Đem cơ thể sán bài tiết ra ngoài sau khi uống Lôi hoàn, cho vào môi trường nước muối sinh lý hơi ấm thì hầu như không hoạt động, những đốt sán nhỏ bị phá huỷ một cách rõ. Như vậy, tác dụng diệt sán không phải là làm tê liệt cơ thể của sán mà là do chất men Albumin trong Lôi hoàn làm cho đốt sán bị phá hoại (Trung Quốc Y Học Khoa Học Viện Dược Vật Nghiên Cứu Sở - Trung Dược Chí (Q 3), Bắc Kinh Vệ Sinh xuất bản 1961 : 604).
. Tác dụng đối với giun đũa: Thí nghiệm trên giun đũa ở heo thấy có công hiệu nhưng đối vơiú người thì không có công hiệu (Ngô Chấn Tây, Thượng Hải Trung Y Dược tạp Chí 1983, (2) : 33).
. Tác dụng kháng Trichomonas: Thuốc sắc 10% Lôi hoàn, dịch thuốc và môi trường cấy tạo thành nồng độ 1/1 thì sau 5 phút toàn thể các trùng này đều bị biến hình, các biệt vẫn còn cơ thể trùng hoạt động (Lưu Quốc Khánh, Trung Y Tạp Chí 1955 (3) : 28).
Tính vị:
. Vị ngọt, đắng, tính hàn (Bản Kinh).
. Vị mặn, hơi hàn, có ít độc (Biệt Lục).
. Vị đắng, lạnh, có ít độc (Trung Dược Đại Từ Điển).
. Vị đắng, tính hàn (Trung Dược Học).
Quy kinh:
. Vào kinh thủ và túc Dương minh (Bản Thảo Vựng Ngôn).
. Vào kinh Phế, Tỳ, Vị (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
. Vào hai kinh Tỳ, và Đại trường (Trung Dược Học).
Tác dụng:
. Sát trùng, tiêu cam (Trung Dược Học).
. Tiêu tích, khu trùng, thanh hiệt, giải độc. Trị trùng tích gây bụng đau, trẻ nhỏ bị cam tích, trong Vị có nhiệt (Thiểm Tây Trung Dược Chí).
Chủ trị: Trừ sên lãi, cam tích trẻ em.
Giun móc và giun đũa: Dùng phối hợp Lôi hoàn với Tân lang và Khổ luyện bì.
Liều dùng: Ngày dùng 3 - 6g.
Ngâm nước vo gạo 24 giờ, lấy ra trộn với trấu chà cho sạch đất cát, bổ đôi ba, sấy khô, tán nhỏ để uống với thuốc chín hoặc hoàn tán.
Kiêng kỵ:
+ Uống lâu ngày sẽ sinh ra chứng âm nuy, loại đỏ uống vào gây chết người (Biệt Lục).
+ Ghét vị Cát căn. Khiếm thực, Hậu phác dùng làm sứ cho nó (Bản Thảo Kinh Tập Chú).
+ Bệnh trùng tích lâu ngày, Tỳ Vị hư yếu: không dùng (Bản Thảo Vựng Ngôn).
+ Uống lâu ngày, cả nam lẫn nữ đều bị tổn thương phần âm (Y Học Nhập Môn).
+ Nếu không phải bệnh trùng tích, phần nhiều không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Đơn Thuốc Kinh Nghiệm:
+ Trị trẻ nhỏ nóng mà không có mồ hôi: Lôi hoàn 120g, Bột miến ½ cân. Tán nhuyễn, trộn đều, dùng để xoa khắp mình trẻ (Nhị Vật Thông Hãn Tán - Thiên Kim Phương).
+ Trị trẻ nhỏ lúc nóng lúc lạnh, kinh khóc không yên: Lôi hoàn, Mẫu lệ, Hoàng cầm, Tế tân đều 0,9g, Xà sàng tử 30g. Sắc với 1 đấu nước còn 7 thăng, bỏ bã, chia làm hai lần, dùng để tắm cho trẻ. Trước hết, tắm trên đầu (đừng cho vào mắt, tai), rồi tắm đến vai, lưng, sau đó tắm từ eo lưng trở xuống. Khi tắm phải tránh gió, lấy bột xoa vào (Lôi Hoàn Dục Thang - Thánh Huệ Phương).
+ Trị tam trùng: Lôi hoàn (nướng), Xuyên khung đều 30g. Tán bột, mỗi lần uống 1g, lúc đói với nước cơm (Lôi Hoàn Tán - Thánh Tế Tổng Lục).
+ Tiêu cam, sát trùng: Lôi hoàn, Sử quân tử (nướng bỏ vỏ), Hạc sắt, Phỉ tử nhục, Tân lang, lượng bằng nhau. Tán nhuyễn. Mỗi lần uống 3g với nước gạo ấm (Lôi Hoàn Tán - Dương Thị Gia Tàng).
+ Tẩy giun kim (Thốn bạch trùng): Lôi hoàn ngâm nước bỏ vỏ, thái ra, sấy khô, tán nhỏ. Đầu canh năm (sáng sớm tinh mơ), ăn một ít thịt nướng, rồi hòa 0,9 – 1,5g thuốc vào nước cháo loãng mà uống. Nên uống nửa tháng đầu là tốt nhất, giun sẽ ra (Lôi Hoàn Tán - Kinh Nghiệm Lương Phương):
+ Trị sán móc: Lôi hoàn, chế thành bột. Mỗi lần dùng 20g, pha với nước lạnh, nóng và chút đường, uống. Ngày 3 lần. Uống liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4, uống 15-20g Magnesium Sulfate (không uống cũng được). Quan sát lâm sàng 20 ca thấy thân sán đa số đến ngày thứ 2, 3 đều bị tống ra. Sau khi uống thuốc, kiểm tra lại, thấy thân sán hoàn toàn tiêu tan (Lưu Quốc Khánh, Trung Y Tạp Chí 1955 (3) : 28).
+ Trị giun móc câu: Lôi hoàn, tán bột, thêm đường và nước nóng, uống. Người lớn mỗi lần 60g, uống một lần hoặc chia làm 3 lần uống. Cách mấy ngày sau lại uóng một lần nữa như vậy. Lâm sàng dùng trị 11 ca, sau khi uống thuốc 2 lần, qua 1-3 lần kiểm tra phân, trừ 2 ca, tìm thấy lượng ít truwngs phân còn lại đều âm tính. Cũng có báo cáo cho thấy quan sát 19 ca, uống liền 2 lần, sau đó kiểm tra phân thấy vẫn còn trứng giun (Ngô Chấn Tây, Thượng Hải Trung Y Dược Tạp Chí 1983 (2) : 33).
+ Trị giun kim: Lôi hoàn 3g, Đại hoàng , Nhị sửu đều 9g. Tán nhuyễn. Sáng sớm lúc đói bụng, cho uống hết với nước lạnh. Trị 188 ca, trừ 2 ca không kết quả, còn lại đều khỏi. Cách chung, sau khi uống thuốc 1-2 ngày là có thể bài tiết ra giun. Trong thời gian uống thuốc có 13 ca thấy có đau bụng ít và nhẹ (Vương Anh Như , Trung Thành Dược Nghiên Cứu 1981 (9) : 43).
Tham Khảo:
. Lôi hoàn thiên về trị trẻ nhỏ bị thương hàn mà không thể uống thuốc. trong phương thuốc trị cũng thường dùng, đó là lấy cái công để đuổi khí độc vậy (Bản Kinh Phùng Nguyên).
. Lôi hoàn là khí dư của cây Trúc kết thành. Vì khí vị thanh âm nên có thể sơ lợi, nó thông hành khí huyết bị nhiệt há chẳng phải là thuốc tốt sao? Tôi thường dùng không thấy có tổn thương gì cả (Bản Thảo Thuật).
. Lôi hoàn trông giống như một viên tròn nên mới gọi như vậy. Vì nghĩa chữ hoàn là viền. Là một trong những thuốc sát trùng của Đông dược, cho vào thuốc sắc không dễ ra nước cốt, nên tán thành bột nhỏ, uống với nước sôi. Chuyên tẩy giun kim (thốn bạch trùng) (Đông Dược Học Thiết Yếu).