CÂY DÂU
Tên khoa học Morus alba L. Morus acidosa Giff
Thuộc họ dâu tằm Moraceae.
Mô tả: Cây to (thường là cây hoang dại hoặc cây lâu năm) hoặc cây nhỏ, cao 2 – 3m. Lá mọc so le, nguyên hoặc chia 3 thùy, mép khía răng, 3 gân tỏa từ gốc. Hoa đơn tính cùng gốc mọc thành bông đuôi sóc ở kẽ lá. Quả phức màu đỏ, sau đen, ăn được.
Phân bố: Cây được trồng để lấy lá nuôi tằm, quả nấu rượu và làm thuốc.
Bộ phận dùng: Lá, vỏ rễ và quả. Lá non hoặc bánh tẻ thu hái vào đầu mùa hạ. Vỏ rễ thu hái quanh năm. Dùng tươi hoặc phơi khô. Quả hái khi chín.
Thành phần hóa học : Lá chứa acid amin tự do (phenylalanin, leucin, alanin, arginin, sarcosin, acid pipercholic …); protid, vitamin C, B1, D; acid hữu cơ : succinic, propionic, isobutyric …., tanin. Quả có đường, protid, tanin, vitamin C.
Công dụng: Chữa cảm ho, Mất ngủ : Ngày 6 – 18g lá sắc uống. Chữa hen suyễn, tiểu tiện ít, Thấp khớp, đau nhức xương : Ngày 6 – 12g vỏ rễ sắc uống. Chữa Thiếu máu, mắt mờ : Quả ngâm rượu hoặc nước đường uống, ngày 12 – 20g quả. Sirô quả chín bôi chữa đau họng, lở loét miệng lưỡi.