CÁCH PHÒNG NGỪA NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP,
TRÁNH NGUY CƠ NGỪNG TIM
- Nhồi máu cơ tim cấp là một bệnh lý cấp tính nguy hiểm do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi dưỡng cơ tim. Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ quyết định sự sống còn của người bệnh.
Bác sĩ tim mạch khuyến cáo, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim cấp xuất hiện ngày càng nhiều ở mọi giới tính, mọi lứa tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt với người bệnh có tiểu sử bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì… Vì vậy, nếu có triệu chứng đau tức ngực, vùng xương ức có dấu hiệu nặng nề, khó thở, mệt mỏi, vã mồ hôi thì cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời trong thời gian "vàng", tăng khả năng cứu sống người bệnh.
=> Cách phòng tránh nhồi máu cơ tim cấp
Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong với tỷ lệ mắc phải ngày một tăng. Nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nhồi máu cơ tim mà tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể xuống chỉ còn khoảng 7%.
Nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp tính là giảm lưu lượng máu mạch vành dẫn đến thiếu máu cơ tim, xảy ra chủ yếu do tình trạng xơ vữa động mạch. Cơ tim được nuôi dưỡng bởi động mạch vành trái và động mạch vành phải. Khi các mảng xơ vữa hình thành trên động mạch vành, nó gây hẹp lòng động mạch làm giảm lưu lượng máu. Khi mảng xơ vữa bị vỡ sẽ tạo điều kiện hình thành cục máu đông lấp toàn bộ lòng mạch, gây ra cơn nhồi máu cơ tim cấp.
Thực tế, nếu mảng xơ vữa không vỡ ra mà cứ phát triển âm thầm gây hẹp thì cũng không gây ra nhồi máu cơ tim cấp. Nếu xơ vữa động mạch vỡ ít và cục máu đông được hình thành sau đó không lấp kín toàn bộ lòng mạch thì nó cũng không gây nhồi máu cơ tim cấp mà chỉ gây ra cơn đau thắt ngực không điển hình.
Ngoại trừ các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi (tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình), hầu hết các yếu tố nguy cơ khác có thể kiểm soát được để hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim, bao gồm:
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nên đi khám sức khỏe mỗi năm 1 lần để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tim như chỉ số huyết áp, lượng đường trong máu, mức cholesterol, bất thường mạch máu…
- Bỏ thuốc: Bao gồm thuốc lá, thuốc lào, xì gà và kể cả thuốc lá điện tử; đồng thời, tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
- Tập thể dục thường xuyên: Hãy tập thể dục hoặc chơi thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày (cường độ vừa) hoặc tập luyện ít nhất 15 phút mỗi ngày (cường độ cao), ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, củ quả, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế thực phẩm nhiều cholesterol, chất béo bão hòa, muối và đường bổ sung. Nên ăn nhiều cá béo vì chúng chứa omega-3 rất tốt cho tim mạch.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu bị thừa cân béo phì thì nên tăng cường tập luyện kết hợp với giảm ăn để giảm cân một cách lành mạnh.
- Học cách quản lý căng thẳng: Lên lịch làm việc, sắp xếp công việc hợp lý, tránh tự tạo áp lực cho bản thân, tập hít thở, yoga hoặc thiền.
- Kiểm soát các bệnh lý hiện có: Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám thường xuyên.
Nếu đã từng bị nhồi máu cơ tim thì cần tham gia phục hồi chức năng tim và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để hạn chế khả năng bị nhồi máu cơ tim lần thứ hai. Việc tập thể dục, có chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh, kiểm soát các bệnh lý nền và kiểm tra sức khỏe thường xuyên cần được duy trì suốt đời.