XOA BÓP BẤM HUYỆT PHÒNG CHỐNG RỐI LOẠN KINH NGUYỆT
- Kinh nguyệt không đều là tình trạng hành kinh đến sớm hay muộn, sớm hoặc sớm muộn không nhất định, màu sắc, chất và số lượng kinh có thay đổi so với bình thường. Băng huyết và rong kinh thì không thuộc phạm vi này.
Theo Đông y, kinh nguyệt không đều là do thận hư làm cho hai mạch Xung và Nhâm bất hòa hoặc do can hư không chứa được huyết, tỳ hư không sinh được huyết và không thống được huyết gây nên. Ngoài ra, thất tình nội thương cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự điều hòa của kinh nguyệt. Hành kinh đến sớm phần nhiều do khí uất lâu ngày hóa hoả hoặc nhiệt uất ở tử cung gây nên; hành kinh muộn do hàn tà lưu lại ở tử cung làm trở ngại sự lưu hành huyết mạch ở tử cung gây nên; hành kinh sớm muộn bất định thường là do sinh đẻ quá nhiều, mất huyết lâu ngày hoặc do phòng dục quá độ hoặc do tỳ vị hư yếu ảnh hưởng đến can thận, tổn thương hai mạch Xung và Nhâm, khí huyết đều hư gây nên.
Để phòng chống rối loạn kinh nguyệt, y học cổ truyền sử dụng nhiều biện pháp như dùng thuốc, châm cứu, bấm huyệt, tập luyện khí công dưỡng sinh, trong đó có việc tiến hành các thao tác tự xoa bóp.
Dưới đây, xin được giới thiệu một quy trình cụ thể:
Người bệnh nằm ngửa trên giường, hai bàn tay đặt chống lên nhau xát mạnh theo đường trục giữa của bụng từ mỏ ác xuống đến điểm giữa bờ trên xương mu 20 lần. Tiếp tục dùng hai bàn tay đặt chồng lên nhau xoa bụng dưới theo chiều kim đồng hồ 20 lần sao cho toàn bụng nóng lên là được.
Dùng ngón tay giữa day bấm huyệt Khí hải trong 1 phút. Vị trí huyệt Khí hải: ở dưới rốn 1,5 tấc, trên đường trục giữa của bụng dưới. Tiếp tục dùng ngón tay cái day bấm huyệt Tam âm giao trong 1 phút. Vị trí huyệt Tam âm giao: ở trên mắt cá chân trong 3 thốn, ngay sau bờ trong xương chày.
Người bệnh ngồi hơi cúi về phía trước, dùng hai bàn tay xát hai bên từ trên thắt lưng xuống tận xương cùng 30 lần. Tiếp đó nắm hai bàn tay đấm nhẹ vùng ngang thắt lưng.
Kế đó, tiến hành day bấm các huyệt theo từng thể bệnh như sau:
=> Với thể hành kinh sớm:
Biểu hiện bằng các triệu chứng như kỳ kinh chưa đến đã hành kinh, có khi trong một tháng hành kinh 2-3 lần, máu đỏ hoặc tím kèm theo cảm giác trong người thấy bồn chồn, khô miệng, khát nước, thích uống nước mát... day bấm thêm 2 huyệt Thái khê (lõm giữa điểm cao nhất của mắt cá trong và bờ sau gân gót) và Thái xung (đo từ đầu kẽ ngón chân cái và trỏ lên 2 tấc), mỗi huyệt day bấm trong 1 phút.
=> Với thể hành kinh muộn
Biểu hiện bằng các triệu chứng như kỳ kinh đã tới nhưng chưa thấy kinh, có khi 40-50 ngày mới thấy kinh, máu nhạt đen, người mệt, sợ lạnh, thích ấm: day bấm thêm huyệt Thiên khu (từ rốn đo ngang ra 2 tấc, mỗi bên 1 huyệt) và Quy lai (xác định điểm dưới rốn 4 tấc rồi đo ngang ra 2 tấc, mỗi bên một huyệt), mỗi huyệt day bấm trong 1 phút.
=> Với thể hành kinh sớm muộn không nhất định
Biểu hiện bằng triệu chứng hành kinh ra nhiều hoặc ít, màu sắc tím hoặc nhạt: day bấm thêm huyệt Túc tam lý trong 1 phút để bổ khí huyết. Vị trí huyệt Túc tam lý: sờ bờ trước xương ống chân (mào chày) từ dưới cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối, ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra ngoài một khoát ngón tay là vị trí của huyệt, khi ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân.
ThS. Hoàng Khánh Toàn