Vạn Tuế
Vạn tuế - Cycas revoluta Thunb., thuộc họ Tuế - Cycadaceae.
Mô tả: Cây thường xanh cao tới 1,5-2m. Lá mọc thành vòng dài tới 2m, hình lông chim; cuống lá có gai, lá chét dài 15-18cm, rộng 6mm, mũi có gai, mép cuộn lại. Cây có nón đực và nón cái riêng. Nón đực hẹp, dài 28cm, rộng 4cm, mang những nhị hình mác hẹp có bao phấn dọc theo mép. Nón cái gồm những lá noãn dài tới 20cm, có lông màu trắng hơi vàng, có phần không sinh sản rộng, chia thành nhiều dải hẹp có ngọn cong; noãn có lông. Hạt hình trái xoan dẹt, màu da cam, dài 3cm.
Ra hoa tháng 6-7, có quả tháng 10.
Bộ phận dùng: Hạt, lá, nón, rễ - Semen, Folium, Conus et Radix Cycatis Revolutae.
Nơi sống và thu hái: Loài của Nhật Bản, được trồng ở Nam Trung Quốc, Ðông Ấn Độ và Việt Nam. Ở nước ta, cây được trồng làm cảnh khá phổ biến nhiều nơi. Thu hái các nón và hạt vào mùa hè - thu, rửa sạch phơi khô dùng dần. Lá và rễ thu hái quanh năm.
Thành phần hóa học: Thân cây chứa bột như bột cọ, chất màu, các acid béo: palmitic, stearic, oleic, behenic; và các azoxyglucosid. Hạt chứa 25% dầu, cycasin, insitol, pinitol, cholin, trigonellin, adenin, hystidin.
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, nhạt, tính bình. Lá có tác dụng thu liễm chỉ huyết, giải độc chỉ thống. Hoa có tác dụng lý khí chỉ thống, ích thận cố tinh. Hạt có tác dụng bình can, giáng huyết áp. Rễ có tác dụng khư phong hoạt lạc, bổ thận.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá được dùng trong các trường hợp xuất huyết, viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, Huyết áp cao, đau dây thần kinh, mất kinh, ung thư. Hoa dùng chữa đau thượng vị, Di tinh, bạch đới, đau kinh. Hạt dùng trị Huyết áp cao. Rễ dùng trị lao phổi, Đau răng, đau thắt lưng, bạch đới, Thấp khớp tạng thống phong, chấn thương bị thương.
Liều dùng lá và hoa 3-6g; hạt và rễ 10-15g; dạng thuốc sắc.
Ghi chú: Hạt và ngọn thân có độc; khi dùng phải cẩn thận.