Những người làm việc trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi hoặc các mùi gây dị ứng, nhân viên văn phòng thường xuyên tiếp xúc với không khí máy lạnh… có nguy cơ nhiễm các bệnh về mũi cao nhất. Nếu trong một văn phòng có trên 30% số nhân viên bị viêm mũi thì người ta có thể nghĩ tới đây là một bệnh ”nghề nghiệp”. Bên cạnh các triệu trứng của mũi như sổ mũi, ngạt mũi… thường xuyên hành hạ do họ bị ô nhiễm bởi môi trường làm việc thì lúc chuyển mùa lại làm cho bệnh nặng lên.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 9.000 lít không khí đi qua mũi của một người trưởng thành để vào phổi. Dù không khí có khô đến đâu, có lạnh đến đâu đi nữa, mũi vẫn phải làm cho không khí đủ ấm (vừa bằng với thân nhiệt) và ẩm (bằng độ ẩm của cơ thể) trước khi vào đến phổi; nếu không, phổi sẽ bị hư hại.
Trên đường từ mũi vào phổi, không khí phải đi qua 2 buồng trống nằm hai bên cánh mũi và phía dưới mắt. Tại những buồng trống này có các tuyến tiết ra nước mũi để làm không khí đủ ẩm khi vào đến phổi. Các tuyến này mỗi ngày trung bình tiết ra chừng 2 lít nước mũi để giữ ẩm cho các cơ trong mũi, miệng, cổ họng và các buồng không khí nói trên.
Sổ mũi, ngạt mũi do đâu?
Trong những mùa không khí quá khô, chất đờm trong cổ họng bị khô lại và trở nên dính như keo. Khi đó, nước mũi sẽ đọng lại thành vũng ở vách sau của mũi, không khí ra vào mạnh thường tạo nên tiếng kêu sột soạt, và như thế là bạn đã bị sổ mũi.
Triệu chứng bệnh về mũi
Đôi khi nước mũi bạn trở nên rất đặc, dính như chất keo, có mầu xanh hay vàng, chảy ra nhiều làm bạn thấy khó chịu, khó thở, nghẹt mũi. Hoặc đôi lúc khi nằm, những mũi dãi này rơi vào cổ họng làm bạn bị ho sặc.
Khoang mũi là các buồng trống trong sọ, thường nằm hai bên mũi và quanh mắt. Không khí khi vào mũi sẽ phải đi qua các buồng trống này trước khi đến phổi. Nhiệm vụ của các buồng này là làm cho không khí trở nên ấm áp khi vào đến phổi.
Nếu vì một lý do nào đó mà đường hô hấp qua các khoang mũi bị nghẽn lại (do các tế bào hình lông trong đó bị đờm dính keo lại, do bệnh cảm hay cúm, do dị ứng làm phía trong mũi bị sưng, nhỏ lại, làm nghẽn đường ra vào của không khí...), bạn bị nghẹt mũi, các vi khuẩn có dịp sinh sôi nảy nở... và gây nhiễm trùng khoang mũi.
Nếu bạn cứ bị nghẹt mũi hoài, các tế bào trong đường hô hấp này có thể biến dạng và dẫn đến bệnh nghẹt mũi kinh niên. Không khí quá khô là nguyên nhân chính yếu của bệnh này. Nó thường làm nước mũi khô lại, trở thành đặc như keo. Lớp keo này làm các tế bào hình sợi trong khoang mũi dính lại với nhau, tạo nên nhiều biến chứng khó chịu trong mũi.