BÀI THUỐC TRỊ SUY NHƯỢC THẦN KINH, MẤT NGỦ HẬU COVID- 19
16-03-2022 4:08 PM | Thầy giỏi – thuốc hay
SKĐS - Sau khi khỏi COVID-19, nhiều người bị suy nhược thần kinh, mất ngủ hậu COVID-19. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây tác động xấu tới sức khỏe…
1. Nguyên nhân gây mất ngủ hậu COVID-19
Sau khi mắc COVID-19, hệ miễn dịch bị suy giảm, gây rối loạn thần kinh, suy nhược thần kinh. Ngoài ra, người bệnh còn lo lắng, suy nghĩ quá độ, ăn uống sinh hoạt thay đổi, do dùng thuốc... cũng là những nguyên nhân gây mệt mỏi, mất ngủ.
Theo y học cổ truyền, mất ngủ thuộc chứng "thất miên".
Có rất nhiều nguyên nhân gây mất ngủ. Có vài thể bệnh ứng với những nguyên nhân khác nhau như: Âm dương không cân bằng, ngũ tạng thất hoà, tinh khí hư tổn là nguyên nhân chủ yếu của loại bệnh này.
Người sau khi mắc COVID-19 bị mất ngủ là do sức suy, khí huyết hư tổn, dưỡng khí không thông, khí của ngũ tạng đảo lộn, âm huyết suy yếu, tinh thần bất an…
Một số người bị mất ngủ hậu COVID-19
=> Một số nguyên nhân:
Khí huyết trong cơ thể hư suy, không nuôi dưỡng được tâm.... gây mất ngủ
Lo nghĩ quá độ mà ảnh hưởng đến tâm tỳ… gây mất ngủ
Sợ hãi, lo lắng thái quá, không dám quyết đoán khiến cho tâm đởm khí hư, thần hồn không yên gây mất ngủ.
Thận âm hư không tiềm được dương, không chế được hỏa, gây chứng tâm thận bất giao; hoặc thận tinh hư tổn, không sinh tủy, từ đó không nuôi dưỡng được não, làm cho não tủy thất dưỡng mà gây chứng mất ngủ...
Ăn uống không điều độ, tiêu hóa rối loạn, gây thực tích sinh đờm thấp ủng trệ, làm vị bất hòa, dẫn đến mất ngủ...
2. Món ăn- bài thuốc
Dưới đây là món ăn, bài thuốc khá đơn giản, dễ kiếm, ăn lại ngon, tốt cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là cho người suy nhược cơ thể - suy nhược thần kinh, người mất ngủ sau COVID.
2.1 Thành phần món ăn bài thuốc
- Hạt sen 40g
- Kỷ tử 20g
- Long nhãn 20g
- Táo đỏ 30g
- Ngân nhĩ 40g
- Đường phèn (lượng vừa phải)
Nếu sau khi khỏi COVID-19 vẫn ho nhiều, muốn trị ho nữa thì thêm bách hợp 20g vào nấu cùng.
2.2 Cách chế biến
Các vị thuốc rửa sạch rồi cho vào bát chưng hấp cách thủy hoặc cho vào nồi áp suất, cho thêm một nắm gạo nấu thành cháo càng tốt. Mỗi ngày nấu một lần, rồi chia làm 2 phần, ăn sáng và tối trước khi đi ngủ 30-60 phút là tốt nhất
Các vị thuốc trên rất gần gũi với các bà nội trợ, là món ăn nhưng lại là những vị thuốc bổ trong đông y, sự kết hợp giữa các vị thuốc có tác dụng: Bổ tâm tỳ, bổ khí huyết, bổ gan thận, bổ phế nhuận phế, sinh tân dịch, dưỡng tâm, an thần, trị ho, trị thiếu máu, mất ngủ, hay quên, suy giảm trí nhớ, giúp đẹp da sáng mắt, nâng cao sức đề kháng...
Món này rất gần với trà dưỡng nhan, nó cũng xuất phát từ bổ phế bổ huyết, vì phế chủ bì mao, bài này cũng có thể dùng để đẹp da dưỡng sắc ...